Kính thưa các thầy (cô)
giáo!
Tự bao đời nay biển đảo
đã gắn bó mật thiết với người Việt, đặc biệt trong thời đại ngày nay biển đảo
là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ đất nước, chủ quyền quốc gia. Là
một quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài, kinh tế biển và các ngành liên
quan đến biển đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước cũng như góp phần
quan trọng trong giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, hòa bình, độc
lập của Tổ quốc.
Cuốn sách “Chủ
quyền biển đảo Việt Nam xưa và nay” do tác giả Lê Thái Dũng biên soạn,
Nxb Hồng Đức xuất bản năm 2020 sẽ giúp thầy (cô) đọc hiểu hơn quá trình cha ông
ta xác lập, quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với độ dày 215 trang, quyển
sách chuyển tải đến chúng ta 23 bài viết về tiến trình phát hiện, xác lập chủ
quyền biển đảo của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và các nội dung có
liên quan. Một số bài viết tiêu biểu như: Đôi nét về thủy quân thời Tiền
Lê và việc xác lập biên giới trên biển; Chuyện vua Lý Anh Tông hai lần đi tuần
biển Đông; Lê Thánh Tông với việc xây dựng thủy quân hùng mạnh; Các triều đại
Việt Nam với hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển Đông; Nhà nước phong kiến Việt
Nam thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào? Thủy
quân nước Việt hai lần đánh bại chiến thuyền Tây phương; Hai tuyên bố quan trọng
của Việt Nam về vấn đề biển; Chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, trường
Sa; Quá trình hình thành và nội dung tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển
Đông (DOC); Những tòa án quốc tế nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp biển đảo?
Giá trị pháp lý của các phán quyết về tranh chấp biển đảo; “Đường lưỡi bò” và
tính pháp lý theo luật quốc tế; Biển đảo - Một đề tài cần mở rộng trên tem bưu
chính Việt Nam.
Qua những câu chuyện lịch
sử về quản lý, khai thác và bảo vệ biển đảo, sự kiện đối ngoại và các dữ kiện
pháp lý gắn với biển đảo được trình bày, cuốn sách giúp chúng ta thấy được hình
ảnh người Việt vượt qua bao bão tố phong ba vẫn kiên cường bám trụ, vững vàng
tay chèo, tay lái để cắm ngọn cờ chủ quyền trên các hải đảo xa xôi, quản lý bảo
vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Mặc dù chưa thật đầy đủ,
nhưng nội dung sách đề cập khá rộng và đa dạng, có nhiều thông tin góp thêm bằng
chứng khẳng định chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối của Việt Nam tại các vùng biển
đảo đã tuyên bố chủ quyền, đồng thời phủ định mọi luận điệu sai trái của các quốc
gia có tranh chấp biển đảo với Việt Nam. Qua đó cho thấy việc xác lập chủ quyền
biển đảo của nước ta không chỉ mang yếu tố lịch sử mà còn phù hợp với luật pháp
quốc tế. Đọc để hiểu về lịch sử và các vấn đề thời sự liên quan đến chủ quyền
biển đảo của Tổ quốc, chúng ta càng thêm cảm phục, tri ân tiền nhân đã hiến
dâng công sức, máu xương để giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng cho thế hệ
hôm nay và muôn đời sau.
Cuốn sách “Chủ quyền biển đảo Việt Nam xưa và nay”
hiện đang có tại thư viện nhà trường với số đăng kí cá biệt TKST-000153 mời quý
thầy cô tìm đọc và giới thiệu cho nhiều người cùng đọc. Cảm ơn quý thầy cô đã
chú ý lắng nghe./.